Lượt xem: 870

Cựu chiến binh phường 1, thị xã Ngã Năm làm giàu từ mô hình nuôi cá tra

Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trong thời gian qua, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, trở thành những điển hình tiên tiến với những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao cần được nhân rộng trong toàn Hội. Một trong những điển hình tiên tiến, làm kinh tế giỏi là hội viên CCB Lâm Văn Thơm, Khóm 5, Phường 1, thị xã Ngã Năm. 

 


CCB Lâm Văn Thơm người đang cho cá ăn cùng Thường trực Hội CCB tỉnh và thị xã Ngã Năm tham quan ao nuôi cá tra.

 

    Đến Phường 1, thị xã Ngã Năm hỏi thăm cơ sở nuôi cá tra của CCB Lâm Văn Thơm người dân nơi đây ai cũng biết và thán phục bởi ý chí, nghị lực và được xem là một “lão nông” nhạy bén với thương trường; bởi ông từng là chủ trang trại nuôi heo, sau đó sang huyện Mỹ Xuyên nuôi tôm nước lợ, nuôi cá chình; vào giai đoạn thịt cá sấu không có đường tiêu thụ thì ông tìm đến các hộ kinh doanh cá sấu để mua thịt cá sấu về làm khô, phần đầu, xương và những phụ phẩm khác ông xay ra làm thức ăn nuôi cá trê vàng lai; khi cá trê khó tiêu thụ thì ông chuyển qua nghề nuôi cá tra đến nay.

    CCB Lâm Văn Thơm cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại khu 3, thị trấn Ngã Năm (nay là Khóm 5, Phường 1, thị xã Ngã Năm) vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi in dấu những chiến công vang dội của quân và dân Ngã Năm trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1961, khi vừa tròn 16 tuổi, cũng như mọi thanh niên yêu nước ở địa phương, ông Thơm tham gia vào du kích Ngã Năm trực tiếp chiến đấu chống kẻ thù xâm lược cho đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng. Sau giải phóng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin thôi công tác trở về xây dựng gia đình và sinh sống tại địa phương cho đến nay.

    Những năm đầu sau giải phóng, tài sản duy nhất của vợ chồng ông chỉ là căn nhà tre lá tạm bợ cùng với 4 công đất ruộng quanh năm ngập lụt, nhiễm phèn, nên đời sống của gia đình ông vốn đã khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn khi gia đình có thêm những thành viên mới. Trong điều kiện thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn làm ăn, nên ngoài 4 công ruộng trồng lúa, vợ chồng ông xoay sở đủ nghề, từ giăng lưới, cắm câu đến làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.

    Sau nhiều năm chịu khó làm ăn, chắt chiu tiết kiệm tích góp, ông mua thêm được 4 công ruộng; nhưng sống ở vùng nông thôn thuần nông quanh năm ngập lụt, nhiễm phèn mà thu nhập chỉ vào 8 công ruộng canh tác 1 vụ/năm thì khó có thể lo cuộc sống cho 8 nhân khẩu, nói chi là chi phí cho 6 người con ăn học.

    Qua bao ngày trăn trở và quyết không cam chịu đói nghèo, năm 2012, ông bàn với gia đình dùng toàn bộ số tiền tích lũy và vay mượn của hai bên gia đình cùng bạn bè để đầu tư mở trang trại nuôi heo, kết hợp nuôi gà, nuôi cá, trồng cây ăn trái. Với cách làm trên, 3 năm đầu, mỗi năm ông thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Nhưng đến năm 2016 do sự biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tác động kinh tế thị trường, giá cả không ổn định, nên có năm ông huề vốn và thua lỗ. Đến năm 2018, ông dốc toàn bộ số tiền gom góp được sang huyện Mỹ Xuyên mướn đất nuôi tôm sú và nuôi cá chình, nhưng do không am hiểu kỹ thuật, cộng với nguồn nước ao hồ nhiễm bệnh nên cũng bị thua lỗ.

    Năm 2019, ông bỏ nuôi tôm ,quyết định đi nhiều nơi tham quan, tìm hiểu để áp dụng cho phù hợp với mô hình kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu, thấy có nhiều đại lý thu mua cá sấu lấy da xuất khẩu, phần thịt, xương còn lại bán giá rất rẻ, nên ông đi khắp nơi tìm hiểu thị trường về tiêu thụ thịt cá sấu. Khi nắm bắt được thị trường và nơi tiêu thụ, ông bàn với gia đình phá bỏ vườn cây ăn trái, đầu tư cải tạo giàn phơi khô và sấy khô thịt cá sấu, đồng thời tận dụng 3.000m2 ao mương và chuồng trại nuôi heo có sẵn để làm bể nuôi cá trê vàng lai, qua gần 2 năm cơ sở ông đi vào hoạt động ổn định.

    Bình quân mỗi tháng chế biến ra 600 kg khô cá sấu với dao động khoảng 250.000 đồng/kg, trừ chi phí (thu mua và nhân công) ông còn lãi khoảng 30 ngàn đồng/kg, bình quân 1 năm lợi nhuận từ chế biến khô cá sấu khoảng 216 triệu đồng. Về phần xương cá sấu, ông xay nhuyễn làm thức ăn cho cá trê vàng lai, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn cá với mức giá bình quân khoảng 18 ngàn đồng/kg, bình quân 1 năm lợi nhuận từ nuôi cá trê vàng lai khoảng 360 triệu đồng, tổng cộng mỗi năm lợi nhuận khoảng 576 triệu đồng.

    Từ năm 2020 đến nay, do tình hình COVID-19, nuôi cá trê lai không có đầu ra, nên ông quyết định chuyển sang đầu tư nuôi cá tra, lúc ban đầu ông nuôi 3 ao, mỗi ao khoảng 2.300 m2, thấy lợi nhuận đem lại khá ổn định, đến cuối năm 2021 ông tiếp tục đầu tư cải tạo thêm 1 ao nữa thành 4 ao nuôi; trong đó, có 3 ao cá thịt, 1 ao nuôi cá bột (cá giống) mật độ mỗi ao thả khoảng 60.000 cá giống; thức ăn cho cá chủ yếu từ phụ phẩm cá sấu xay nhuyễn trộn thêm thức ăn (khi cá còn nhỏ). Sau 3 tháng cá lớn, thức ăn chủ yếu là phụ phẩm cá sấu xay nhuyễn, mỗi ao 1 ngày khoảng 1,5 tấn, số còn lại ông bán cho người dân với giá 4.000 đồng/kg; cá tra nuôi khoảng 9 tháng thì sẽ thu hoạch. Tháng 9 vừa qua, ông thu hoạch trên 150 tấn cá tra/3 ao, bán cho thương lái từ tỉnh An Giang xuống thu mua với giá 27.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí lợi nhuận mang lại khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể thu nhập từ thịt cá sấu, một nguồn thu nhập rất lớn và cũng là niềm mơ ước đối với người nông dân vùng đất ngập lụt, nhiễm phèn quê ông.

    Hưởng ứng phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Hội CCB tỉnh phát động, ông đề xuất với Chi hội CCB khóm xem xét lựa chọn một số hộ hội viên CCB, cựu quân nhân và con em CCB nghèo, cận nghèo để giúp họ có công ăn việc làm ổn định với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay cơ sở của ông tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động.

    Không chỉ làm kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều hội viên ở địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững, mà ông Lâm Văn Thơm còn là hội viên CCB gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Hàng năm, gia đình ông còn đóng góp các hoạt động thiện nguyện và các phong trào ở địa phương từ 20 - 25 triệu đồng.

    Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền ông Lâm Văn Thơm được công nhận là hội viên gương mẫu, gia đình đạt chuẩn văn hóa, là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi; được Chủ tịch Hội CCB tỉnh và UBND thị xã tặng thưởng nhiều Giấy khen. CCB Lâm Văn Thơm xứng đáng là CCB tiêu biểu về sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế, là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh học tập, noi theo.

Mạnh Điệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 9074
  • Trong tuần: 76,394
  • Tất cả: 11,860,583